Tin tức

BỆNH LÝ VÕNG MẠC TIỂU ĐƯỜNG

Bệnh võng mạc tiểu đường là tình trạng bệnh lý với các tổn thương xảy ra ở võng mạc do bệnh đái tháo đường gây nên. Bệnh võng mạc tiểu đường là nguyên nhân chính gây mù ở các nước phát triển, bao gồm cả Việt Nam. Tỷ lệ mắc bệnh võng mạc tiểu đường tăng theo thời gian mắc bệnh tiểu đường và bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường hơn 10 năm có nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường, đặc biệt là việc kiểm soát đường máu không đạt yêu cầu.

Bệnh võng mạc tiểu đường

imgDiabeticRetinopathy2

1.Bệnh lý võng mạc chưa tăng sinh

Ở giai đoạn đầu hay giai đoạn chưa tăng sinh, người bệnh thường không tự thấy triệu chứng gì. Chỉ khi khám đáy mắt bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt với phương tiện chuyên dụng như chụp đáy mắt huỳnh quang, chụp cắt lớp võng mạc (OCT),… mới có thể phát hiện những tổn thương đáy mắt như vi phình mạch, xuất huyết, thiếu máu cục bộ võng mạc,…

imgDiabeticRetinopathy

Tùy thuộc vào khu vực nào của võng mạc bị ảnh hưởng, thị lực có thể không bị ảnh hưởng trong giai đoạn đầu và bệnh nhân có thể không biết rằng họ bị bệnh võng mạc tiểu đường trừ khi họ được kiểm tra mắt thường xuyên.2.Bệnh lý võng mạc tăng sinh

Ở giai đoạn tăng sinh của bệnh, người bệnh thấy giảm thị lực, khuyết tầm nhìn, thấy hình tối bất thường trước mắt, thậm chí mất thị lực. Khám thấy phù hoàng điểm, xuất tiết võng mạc, tân mạch phát triển trên bề mặt võng mạc, xuất huyết võng mạc – dịch kính, tổn thương thần kinh thị giác,… ở các mức độ từ nhẹ đến nặng. Ở giai đoạn muộn hơn có thể hình thành sẹo và màng xơ trước võng mạc, gây co kéo dẫn đến bong võng mạc và mất thị lực nghiêm trọng.

Kiểm tra mắt

Bệnh nhân tiểu đường nên đi kiểm tra mắt thường xuyên để theo dõi các biến chứng mắt do tiểu đường. Các bác sĩ về mắt sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng để đánh giá mức độ nghiêm trọng và mức độ của bệnh giúp đưa ra cách điều trị phù hợp nhất với từng giai đoạn của bệnh.

Điều Trị

Trong giai đoạn đầu của bệnh võng mạc tiểu đường, việc điều trị có thể chưa phức tạp nhưng việc khám và theo dõi thường xuyên là rất quan trọng để kiểm soát tốt lượng đường trong máu sẽ giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

 1.Liệu pháp laser.

Trong các giai đoạn tiến triển hơn của bệnh võng mạc tiểu đường, điều trị bằng laser có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, làm giảm khả năng mất thị giác,  giảm phù hoàng điểm hoặc hạn chế tân mạch võng mạc nhưng làm tổn thương vĩnh viễn 1 phần võng mạc.

2. Điều trị tiêm nội nhãn

Trong nhiều trường hợp mắc bệnh đái tháo đường do tiểu đường, có thể phải tiêm thuốc vào nhãn cầu như các chất ức chế yếu tố phát triển nội mạc mạch máu (anti-vasoendothelial growth factor/VEGF) như Lucentis, Avastin, Aflibercept có tác dụng rất tốt với phù hoàng điểm và tân mạch võng mạc, an toàn nhưng giá thuốc còn đắt đỏ.

3.Phẫu thuật

Trong một số các trường hợp của bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh như xuất huyết dịch kính, màng tăng sinh co kéo võng mạc,… sẽ có chỉ định phẫu thuật nhằm loại bỏ máu trong buồng dịch kính, phục hồi thị lực cho mắt bệnh, hạn chế được biến chứng.

Phòng ngừa và sàng lọc

Bệnh nhân tiểu đường cần đảm bảo kiểm soát tốt lượng đường trong máu bằng chế độ ăn uống và dùng thuốc phù hợp. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ phát triển các biến chứng tại mắt do tiểu đường, hoặc làm chậm sự quá trình tiến triển của bệnh võng mạc tiểu đường trước đó.

Ngay cả khi không có triệu chứng thị giác, bệnh nhân tiểu đường nên kiểm tra mắt ít nhất mỗi năm một lần để phát hiện bệnh và sớm có can thiệp điều trị. Ngoài ra các yếu tố nguy cơ khác về tim mạch như tăng huyết áp và cholesterol cao cũng cần được kiểm soát.