1. Mắt cận thị
Trẻ em bị mắc tật cận thị thường gặp khó khăn khi nhìn thấy những vật ở xa, ví dụ như TV hoặc bảng trên lớp, và chỉ nhìn được những vật ở cự ly gần . Ở Việt Nam, theo các thống kê khác nhau tỉ lệ cận thị từ 20 – 60% tùy theo độ tuổi và khu vực thành thị hay nông thôn. Ước tính, Việt Nam hiện có gần 3 triệu trẻ em độ tuổi 0 – 15 tuổi bị mắc các tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó tỷ lệ cận thị chiếm tới 2/3, chủ yếu tập trung ở đô thị. Ở khu vực nông thôn và miền núi tỷ lệ cận thị 15 – 20%, ở khu vực này do điều kiện y tế và vật chất khó khăn nên cận thị tiến triển nhanh và thường rất nặng, ít được chỉnh kính…. Nếu mắt phát triển quá nhiều, trẻ sẽ bị cận thị. Trẻ em có cha mẹ bị cận thị có nhiều nguy cơ mắc bệnh này, vì vậy chúng tôi khuyên những trẻ này nên kiểm tra mắt thường xuyên tại trường tiểu học.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trẻ em dành thời gian nhiều hơn ngoài trời thường ít bị cận thị. Tuy nhiên, bạn hãy bảo vệ đôi mắt của hôị trẻ khỏi ánh nắng mặt trời bằng các vật dụng che chắn, vì tiếp xúc lâu với ánh sáng cực tím (UV) có thể làm hỏng mắt của chúng và gây ra vấn đề trong cuộc sống sau này.
2. Mắt viễn thị
Viễn thị là một tật khúc xạ tương đối phổ biến ở trẻ em. Tật khúc xạ này thông thường là do nhãn cầu ngắn hơn so với giới hạn bình thường dẫn đến khó khăn trong việc nhìn các vật ở gần. Người bị viễn thị nặng sẽ nhìn mờ ở cả khoảng cách gần và xa. Khi còn nhỏ khoảng 2-3 tuổi mắt trẻ điều tiết rất mạnh nên những trường hợp bị viễn thị sinh lý sẽ vẫn nhìn bình thường không gây khó chịu. Còn những trường hợp viễn thị đáng kể sẽ có xu hướng tiến triển thành lé vào khoảng 3-4 tuổi, vì vậy chúng cần được chỉnh kính kịp thời để ngăn ngừa những biến chứng lé mắt và nhược thị.
3. Mắt loạn thị
Loạn thị xảy ra khi mắt của con bạn có cấu trúc giác mạc bị biến dạng không đều, làm các tia sáng đi vào mắt hội tụ ở nhiều điểm khác nhau dẫn đến nhìn bị mờ hoặc méo. Ngoài ra loạn thị còn có thể do độ cong của thủy tinh thể bất thường.
Loạn thị nghiêm trọng có thể dẫn đến bị nhược thị , nếu bạn không cho con đeo kính và điều trị sớm. Do đó, bạn hãy đưa con đến bác sĩ nhãn khoa nếu bạn nhận thấy chúng có vấn đề với mắt.
4. Mắt nhược thị.
Nhược thị là khi thị lực ở một hoặc cả hai
mắt không phát triển bình thường trong thời kì trẻ nhỏ. Đôi khi nó được gọi là
“mắt lười” và là một vấn đề phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhược thị có thể phát triển từ những vấn đề về thị lực và những vấn đề
khác của mắt như lác, tật khúc xạ. Một đứa bé mới sinh ra có thể nhìn thấy
được. Tuy nhiên, khi chúng bắt đầu phát triển, đường dẫn truyền thị giác từ mắt
đến não và ở bên trong não cũng tiếp tục phát triển. Não bắt đầu học cách phân
tích những tín hiệu từ mắt chuyển đến. Quá trình này tiếp tục tiến triển cho
đến khoảng 7-8 tuổi. Sau thời điểm này, đường dẫn truyền thị giác và vùng thị giác
của não đã được hình thành một cách đầy đủ và không thể thay đổi được.
Nếu vì một nguyên nhân nào đó, đứa trẻ không thể
dùng một hoặc cả hai mắt của nó một cách bình thường được, khi đó chức năng thị
giác của não không được “học hỏi” đến nơi đến chốn và kết quả là khả
năng nhìn bị giảm sút dẫn đến nhược thị. Do đó, bản chất của nhược thị là bất
thường diễn ra ở não hơn là ở chính bản thân mắt. Ngay cả khi những vấn đề ở
mắt đã được điều trị, tình trạng giảm sút khả năng nhìn do nhược thị thường vẫn
còn tồn tại vĩnh viễn trừ phi nó được điều trị trước năm 7 tuổi.
5. Nheo mắt
Có những trường hợp mắt của con bạn chúng có hiện tượng nheo mắt khi nhìn, hay tiến gần vào màn hình khi xem ti vi, đọc sách gần mắt, … nhiều bố mẹ cho rằng đó chỉ là thói quen xấu nên nhắc nhở con đứng xa ti vi, giữ khoảng cách đúng khi đọc sách… đến lúc nào đó thấy bất thường đưa con đi khám đã cận, hay loạn thị vài độ.
Vì thế, khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường khi nhìn, cần đưa trẻ đi kiểm tra tại các cơ sở chuyên khoa mắt để được chẩn đoán đúng về tật khúc xạ, điều chỉnh kính kịp thời.